9 tháng đầu năm 2020, các doanh nghiệp ngành Xây dựng đang nỗ lực lấy lại đà tăng trưởng dù dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Vượt qua những khó khăn, kết quả kinh doanh của Vinaconex trong 9 tháng đầu năm xứng đáng với thương hiệu "ông lớn" trong ngành Xây dựng.
Vinaconex lọt Top 40 doanh nghiệp lãi nghìn tỷ
Theo Báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2020 của Tổng công ty cổ phần XNK và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.274 tỷ đồng, tăng 336% so với cùng kỳ năm trước, 9 tháng đạt 1.812 tỷ đồng, tăng 166%. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Vinaconex đạt 1.450 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 157% so với cùng kỳ.
Với kết quả này, VCG đã chính thức lọp Top 40 doanh nghiệp lãi nghìn tỷ năm 2020, mà đứng đầu là những tên tuổi như Vinhomes (VHM), Vietcombank (VCB) hay Vinamilk (VNM). Tính chung, 40 doanh nghiệp trong câu lạc bộ lãi nghìn tỷ năm 2020 đạt gần 155.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm - một con số rất cao so với diễn biến thực tế thị trường thời điểm này.
Tại thời điểm 30/9/2020, tổng tài sản của Vinaconex đạt 19.356 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu là 4.417 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 2.048 tỷ đồng, tăng 1.100 tỷ đồng so với đầu năm, thặng dư vốn cổ phần 355 tỷ đồng.
Tổng tiền và tương đương tiền đạt hơn 3.157 tỷ đồng, tăng 856 tỷ đồng so với đầu năm. Các khoản phải thu ngắn hạn gần 6.800 tỷ đồng, giảm hơn 500 tỷ đồng so với đầu năm do tăng trích lập dự phòng 1.200 tỷ đồng, các khoản phải thu đa phần là phải thu ngắn hạn của khách hàng (3.157 tỷ đồng) và trả trước cho người bán (2.327 tỷ đồng)
Cổ phiếu VCG của Vinaconex cũng được giới đầu tư chú ý, khi từ đầu tháng 8 đến nay thị giá đã có thời điểm vượt mức 45.000 đồng/cổ phiếu (tăng hơn 70%). Với Vinaconex, động thái thoái vốn tại Dự án Splendora, đồng thời 2 nhóm cổ đông lớn thoái vốn tại Vinaconex, được giới đầu tư đánh giá là tích cực, đánh dấu giai đoạn ổn định quản trị để tập trung mạnh cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Mới đây, Hội đồng quản trị Vinaconex cũng có Quyết nghị mua lại 10% tổng số cổ phần phổ thông, tối đa 44 triệu cổ phiếu. Điều này thể hiện sự tin tưởng của ban lãnh đạo Tổng công ty về tiềm năng của cổ phiếu VCG cũng như sự phát triển mạnh mẽ của Vinaconex trong thời gian sắp tới. Đây cũng là hành động thể hiện sự sát cánh của Hội đồng quản trị với các cổ đông hiện hữu.
Định hướng "kiềng ba chân"
Theo định hướng phát triển dài hạn, Vinaconex tập trung đẩy mạnh hoạt động kinh doanh theo 03 trụ cột là Xây dựng, Đầu tư Bất động sản, Đầu tư tài chính.
Ở mảng xây dựng (dân dụng – công nghiệp – giao thông), năm 2019 và bước sang năm 2020, Tổng công ty Vinaconex liên tiếp trúng thầu nhiều công trình xây lắp có giá trị lớn, tiêu biểu như Dự án Lọc hóa dầu Long Sơn (Bà Rịa – Vũng Tàu), Nhà xưởng Goertek, Vin City Ocean Park (Hà Nội), Tổ hợp khách sạn Crown (Lào), Đại học FPT (TP Hồ Chí Minh), Dự án Xây dựng, cải tạo Bệnh viện K Trung ương, Dự án đầu tư xây dựng Tòa án Nhân dân Hà Nội… Đặc biệt, Dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp khách sạn nghỉ dưỡng 5 sao Mikazuki (Đà Nẵng) với giá trị xây lắp lên tới gần 1.000 tỷ đồng là dự án đầu tiên mà chủ đầu tư Nhật Bản tin tưởng giao trực tiếp cho một nhà thầu trong nước – Vinaconex làm tổng thầu thi công. Đây là sự ghi nhận và khẳng định về thương hiệu, chất lượng và mức độ cạnh tranh của Tổng công ty trong lĩnh vực này.
Đáng chú ý, trong thời gian qua, Vinaconex cũng được tin tưởng lựa chọn làm nhà thầu thi công đối với các dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc – Nam phía Đông, với tổng giá trị khoảng 5 500 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công. Cụ thể: Liên danh Vinaconex – Trung Chính đã trúng thầu thi công gói XL - 03 dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, với giá trị trúng thầu gần 2.300 tỷ đồng; Liên danh Vinaconex – VNCN E&C trúng thầu thi công gói XL – 04 cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo, giá trị trúng thầu hơn 3.200 tỷ đồng.
Trong mảng đầu tư bất động sản, các dự án chuyển tiếp được thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng như Dự án chung cư VINATA 2B, Dự án chung cư 97-99 Láng Hạ, Dự án chung cư 93 Láng Hạ, Dự án chung cư Bohemia Resident, khu đô thị Thiên Ân (Đà Nẵng). VINACONEX cũng đã trúng đấu giá nhiều dự án bất động sản lớn như Dự án Tam Kỳ (Quảng Nam), Dự án Tuy Hòa (Phú Yên), Dự án Đại lộ Hòa Bình – Móng Cái (Quảng Ninh), bên cạnh 2 dự án hiện hữu quy mô lớn gồm khu đô thị Cái Giá – Cát Bà Amatina và dự án Khu CNC Hòa Lạc.
Bên cạnh đó, Vinaconex có lợi thế sở hữu hệ thống các công ty thành viên, công ty liên doanh, liên kết trải dài từ Bắc đến Nam hoạt động ổn định, tạo thành chuỗi giá trị bổ trợ cho hoạt động xây lắp và bất động sản, góp phần tăng quy mô và lợi nhuận cho Tổng công ty.
Với những thông tin tích cực như hiện nay, nhiều nhà đầu tư dự đoán, con số cổ tức 12% mà Đại hội đồng cổ đông VCG đã thông qua là nằm trong tầm tay, cho dù tỷ lệ này cao gấp đôi so với năm 2019.
Theo Nhịp sống kinh tế
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian sớm nhất !
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian sớm nhất !