Thị trường căn hộ Hà Nội khá ảm đạm, nhạy cảm về giá, tuy nhiên vẫn có sức hấp dẫn đối với các “ông lớn” Sài Thành.
Theo báo cáo mới nhất của Savills Việt Nam, quý III/2020, thị trường căn hộ bán có sự trầm lắng, nguồn cung mới tung ra thị trường 3.100 căn, có khoảng 700 được mở bán mới còn lại là số lượng đến từ 9 dự án đã mở bán từ trước. Số lượng dự án mới trong năm nay rất hạn chế.
Tuy nhiên, giá sơ cấp thị trường tăng 3% theo quý và 10% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là mức tăng khá ổn định bởi thực tế giá căn hộ sơ cấp cứ trung bình mỗi năm vẫn tăng 5%. Lượng căn hộ bán được trong quý vừa rồi xấp xỉ 5.200 căn, giảm 3% so với quý trước và 44% với năm ngoái.
Theo bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc Bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội, thị trường có sự nhạy cảm về giá và bất ổn với việc thiếu nguồn cung hạng A. Lượng hấp thụ trong quý này chủ yếu đến từ căn hộ hạng B, C (chiếm đến 99%), hạng A chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Trong đó, 80% người mua chủ yếu đến từ nhu cầu sử dụng thực.
Không những vậy, chuyên gia Savills Hà Nội cho biết, thị trường cũng ghi nhận các dự nằm ở các huyện ngoại thành đã có giá thu hẹp dần khoảng cách với các dự án lân cận vành đai 2, nhiều dự án ở Mỹ Đình cũng lên 50-60 triệu đồng/m2. Mức giá cao khiến môi giới vào cũng khó, đồng thời kém sức hút với người mua.
Báo cáo tổng quan thị trường căn hộ Hà Nội của Savills Việt Nam
Tuy nhiên, nghịch lý lại xảy ra đối với thị trường thứ cấp bởi giá thứ cấp đang ghi nhận mức giảm đáng kể, rất nhiều nhà đầu tư trước đây đã tham gia vào thị trường nhưng áp lực về cho thuê không như kỳ vọng, nhiều nhà đầu tư đã tìm cách thoát khỏi thị trường.
Trong quý IV, đại diện Savills cho biết sẽ có khoảng 9.980 căn hộ từ một dự án hiện tại và 11 dự án trong tương lai được ra mắt. Dẫn đầu nguồn cung tương lai là huyện Gia Lâm với 38% thị phần, Từ Liêm với 37% thị phần. Savills dự báo, khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, thị trường sẽ phục hồi hoàn toàn nhờ tăng trưởng kinh tế và dân số trong dài hạn.
Dự kiến thị trường nhà ở Hà Nội sẽ đón làn sóng các "đại gia" Sài Gòn đổ bộ trong cuối năm 2020, đầu năm 2021
Ngoài ra, theo bà Đỗ Thu Hằng một làn sóng các nhà đầu tư, chủ đầu tư lớn từ TP.HCM cũng đang đổ bộ ra thị trường Thủ đô. Các chủ đầu tư này hầu hết là các "ông lớn" đã có kinh nghiệm phát triển dự án, với sự sôi động và có phần "trải nghiệm" nhiều hơn so với các chủ đầu tư đến từ Hà Nội. Họ kỳ vọng mang được triết lý kinh doanh, cạnh tranh với các chủ đầu tư Hà Nội. Những doanh nghiệp này cũng có kinh nghiệm bắt tay cùng các nhà đầu tư ở nước ngoài để mang đến những sản phẩm với giá tiền phù hợp hơn.
"Đây cũng là một xu thế tất yếu bởi thị trường TP.HCM đang bị đẩy lên một mức giá "đỉnh", các dự án được cấp phép mới cũng khó khăn hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, thị trường Hà Nội cũng được khách hàng, các nhà đầu tư đánh giá là có pháp lý "sạch" hơn các dự án ở TP.HCM và được kỳ vọng sẽ tạo nên sự đột phá" - bà Hằng đánh giá.
Tuy nhiên, khó khăn đối với các chủ đầu tư này đó chính là tâm lý của khách hàng Hà Nội khác biệt so với TP.HCM. Ở TP.HCM, các dự án chung cư cao cấp có thể có giá lên tới 5.000 - 7.000 USD/m2 vẫn có thể thanh khoản, tuy nhiên ở thị trường Hà Nội thì mức giá 5.000 đã rất khó để bán. Bên cạnh đó, với giới đầu tư, các nhà đầu tư miền Bắc cũng có sự "hứng thú" hơn với nhà liền thổ hơn chung cư hay nhà phố.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian sớm nhất !
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian sớm nhất !