Bản tin thị trường sáng ngày 9/8/2021

09-08-2021 11:31

1. Bộ Xây dựng: Chung cư bình dân đã tăng giá

Theo Bộ Xây dựng, giá giao dịch căn hộ chung cư bình quân trong quý 2 vừa qua, đặc biệt tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, vẫn tăng khoảng 5-7% so với quý trước.

Với các căn hộ bình dân có mức giá từ 25- 30 triệu đồng/m2, Bộ Xây dựng cho biết, các dự án nhà ở thương mại tại khu vực trung tâm của các đô thị hầu như không có, căn hộ có mức giá này chỉ có tại một số ít các dự án tại khu vực xa trung tâm. Trong khi nguồn cung loại căn hộ này ngày một hạn chế thì nhu cầu của người dân vẫn còn nhiều, dẫn đến giá bán phân khúc này tiếp tục tăng.

Sản phẩm chủ đạo trên thị trường vẫn là các căn hộ phân khúc trung cấp, chiếm phần lớn nguồn cung mở bán mới trong thời gian qua. Giá căn hộ chung cư trung cấp dao động khoảng 30 triệu đồng/m2 đến dưới 50 triệu đồng/m2.

Ngoài ra, thị trường căn hộ cao cấp còn xuất hiện những dự án có mức giá bán cao ở các thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM. Theo đó, các dự án có giá chào bán trên thị trường từ khoảng 110 triệu đồng đến 700 triệu đồng mỗi mét vuông.

2. Dòng tiền nhàn rỗi sẽ tiếp tục đổ vào lĩnh vực bất động sản?

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, thị trường bất động sản dù dịch bệnh vẫn đang tiếp tục hứng khởi bởi một lượng tiền nhàn rỗi đang chực chờ đổ vào chứng khoán hoặc bất động sản. Sức nóng của bất động sản còn tiếp tục là bởi đây là lĩnh vực gắn liền với cuộc sống của con người bởi nhu cầu ở không ngừng tăng, ngay cả trong thời điểm dịch bệnh hay sau dịch bệnh. Nhìn về dài hạn, bất động sản luôn tăng giá, dù có chu kỳ lên hoặc xuống.

Việc đẩy mạnh công trình hạ tầng cơ sở là thiết yếu nhằm vực dậy nền kinh tế. Xây dựng hạ tầng giao thông, đường, cầu, cống chắc chắn kéo theo sự tăng giá của những vùng bất động sản xung quanh quanh. Việc chính phủ đẩy mạnh đầu tư công sẽ góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản. Đây chính là lý do khiến dòng tiền nhàn rỗi tiếp tục đổ mạnh vào lĩnh vực bất động sản.

Đánh giá ở góc độ thận trọng hơn, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nếu giá bất động sản tăng quá mạnh so với giá trị thực cộng hưởng từ hạ tầng cải thiện thì nguy cơ bong bóng có thể xảy ra. Thế nên ông khuyến nghị các nhà đầu tư phải thực sự cẩn trọng khi xuống tiền vào bất động sản.

3. Đà Nẵng không còn cấp phép cho loại hình Condotel

UBND Tp.Đà Nẵng mới đây đã có báo cáo về kết quả triển khai Nghị quyết của HĐND thành phố, thông báo kết luận của Thường trực HĐND thành phố trong nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Theo đó, Sở Xây dựng TP này đã không còn cấp phép loại hình condotel. Hiện nay việc triển khai các giải pháp quản lý và kiểm soát condotel trên địa bàn Tp.Đà Nẵng được thực hiện theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản số 66/2014/QH13.

Trước đó, trước tình trạng ở nhiều địa phương ồ ạt cấp "đất ở không hình thành đơn vị ở" cho hàng loạt dự án gây tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp, khiếu kiện, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tạm thời không cấp phép mới biệt thự du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ nghỉ dưỡng (condotel).

Theo Thanh tra Chính phủ, kiến nghị, trước mắt tạm dừng cấp phép dự án condotel cho đến khi hệ thống pháp luật được hoàn thiện theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

4. Có phải đóng tiền sử dụng đất khi giao dịch nhà ở xã hội?

Tại Khoản 4 Điều 19 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội có quy định:

“Kể từ thời điểm người mua, thuê mua nhà ở xã hội được phép bán nhà ở xã hội cho các đối tượng có nhu cầu thì ngoài các khoản phải nộp khi thực hiện bán nhà ở theo quy định của pháp luật, bên bán căn hộ nhà chung cư phải nộp cho Nhà nước 50% giá trị tiền sử dụng đất được phân bổ cho căn hộ đó; trường hợp bán nhà ở xã hội thấp tầng liền kề phải nộp 100% tiền sử dụng đất, tính theo giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành tại thời điểm bán nhà ở”.

Khoản 5 Điều 19 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP quy định: “Trong thời hạn chưa đủ 05 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua nhà ở xã hội, nếu bên mua hoặc thuê mua có nhu cầu bán lại nhà ở xã hội thì chỉ được bán lại cho Nhà nước (trong trường hợp thuê mua nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư).

Bên cạnh đó, chủ căn hộ cũng có thể bán lại cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội (trong trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách) hoặc bán lại cho đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định tại Điều 49 của Luật Nhà ở, với giá bán tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân”.

Khoản 6 Điều 19 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP quy định: “Đối với dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê thì chủ đầu tư chỉ được bán sau thời gian tối thiểu là 10 năm kể từ khi hoàn thành bàn giao để cho thuê và chỉ được bán cho các đối tượng quy định tại Điều 49 của Luật Nhà ở, với giá bán tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm”.

5. Bắc Giang sẽ có gần 11.000 ha đất công nghiệp đến năm 2030

UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Đề án nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư tỉnh đến năm 2030, trong đó tập trung ba lĩnh vực chính là công nghiệp, thương mại dịch vụ và nông nghiệp.

Đối với lĩnh vực công nghiệp, tỉnh định hướng chỉ xem xét chấp thuận đầu tư các dự án đầu tư sản xuất vào các dự án theo quy hoạch. Với các dự án nằm ngoài quy hoạch, chỉ xem xét đối với các dự án có tác động lớn đến kinh tế - xã hội của tỉnh hoặc tại các địa bàn có điều kiện khó khăn. Các lĩnh vực công nghiệp ưu tiên thu hút đầu tư gồm chế tạo linh kiện, điện tử; dự án cơ khí; sản xuất phần mềm; hóa dược, dược phẩm; chế biến nông, lâm sản.

Về định hướng địa bàn ưu tiên thu hút đầu tư, khu vực dọc theo Quốc lộ 1 và TP Bắc Giang là nơi tỉnh tập trung đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ, bao gồm các KCN, trung tâm logistics, khu vui chơi giải trí, thương mại, khách sạn, tài chính ngân hàng. Về hạ tầng các KCN, tỉnh định hướng đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng các KCN đang hoạt động như KCN Quang Châu, Hòa Phú, Việt Hàn.

Dự kiến đến năm 2030, tỉnh sẽ bổ sung quy hoạch thêm 23 KCN với tổng diện tích khoảng 5.800 ha, nâng tổng số KCN đến năm 2030 thành 29 KCN với tổng diện tích khoảng 7.800 ha.

Về hạ tầng cụm công nghiệp (CCN), tỉnh giữ nguyên diện tích 34 CCN đã thành lập với 1.263ha; mở rộng diện tích ba CCN hiện có là Yên Lư, Việt Tiến, Thanh Vân với diện tích sau mở rộng là 225 ha, đồng thời quy hoạch mới 28 CCN với diện tích gần 1.700 ha. Như vậy, đến năm 2030, tổng diện tích đất công nghiệp tại Bắc Giang dự kiến tăng lên gần 11.000 ha.

GỌI ĐIỆN
GỌI ĐIỆN

GỬI THÔNG TIN THÀNH CÔNG


Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian sớm nhất !

-->

GỬI THÔNG TIN THÀNH CÔNG


Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian sớm nhất !