Hơn 80.000 m2 sàn bán lẻ dự kiến gia nhập thị trường Hà Nội nửa cuối 2021. Từ 01/09 chủ chung cư cũ có thể được bồi thường căn hộ mới rộng gấp đôi...là những tin chính có trong bản tin sáng nay.
1. HƠN 80.000 M2 SÀN BÁN LẺ DỰ KIẾN GIA NHẬP THỊ TRƯỜNG HÀ NỘI NỬA CUỐI 2021
Báo cáo thị trường bất động sản Hà Nội quý II/2021 của CBRE Việt Nam cho biết, trong nửa cuối năm 2021, Hà Nội dự kiến có thêm nguồn cung 82.000 m2 diện tích sàn bán lẻ mới, chủ yếu đến từ dự án Vincom Mega Mall Smart City dự kiến khai trương vào quý III.
Ngoài ra, sau năm 2021, sẽ có khoảng thêm gần 300.000 m2 sàn bán lẻ gia nhập thị trường Hà Nội từ các dự án mới khu vực ngoài trung tâm thành phố khi hai dự án Lotte Mall Hà Nội và Aeon Mall Hoàng Mai hoàn thiện và đi vào hoạt động (dự kiến khai trương trong 2023 - 2024).
CBRE đánh giá, thị trường bán lẻ thời gian tới sẽ có nhiều động lực phục hồi như việc phát triển mô hình đa kênh nâng cấp cửa hàng, các biện pháp hỗ trợ khách thuê và kế hoạch của Chính phủ nhằm đạt tỷ lệ tiêm chủng cho 70 - 75% dân số vào quý I/2022.
Nguồn: Vietnammoi
2. NỬA CUỐI NĂM 2021, BĐS VÙNG VEN BÙNG NỔ THU HÚT NHÀ ĐẦU TƯ
Theo báo cáo Bộ Xây dựng, trong 6 tháng đầu năm 2021, bất động sản ven Hà Nội có sức tăng trưởng đáng kể. Đặc biệt có thể kể đến một số khu vực lân cận như Bắc Ninh (20%), Hưng Yên (26%), Hòa Bình (46%)…
Trong những năm gần đây, xu hướng sở hữu những căn nhà vườn làm nơi nghỉ ngơi cuối tuần ở những vùng ven Hà Nội như Sóc Sơn, Hòa Bình, Ba Vì… ngày càng phát triển. Nắm bắt nhu cầu thực của thị trường, nhiều chủ đầu tư uy tín trong ngành bất động sản đã tích cực giải ngân vào phát triển các dự án có quy mô lớn.
Theo nhận định của một số chuyên gia, nhà đầu tư tìm về khu vực gần bởi thực tế hệ thống giao thông liên vùng của Hà Nội ngày càng được hoàn thiện, các dự án ven đô cũng được quy hoạch bài bản và đem về cơ hội sinh lời tốt.
Điển hình như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình… ngày càng hấp dẫn hơn bởi quỹ đất lớn, không khí trong lành, gần gũi với thiên nhiên. Đặc biệt, hệ thống giao thông Hà Nội – Hòa Bình, Láng - Hòa Lạc, Cao tốc Hà Nội – Vĩnh Phúc, Quốc lộ 21, Quốc lộ 32… được xây mới và nâng cấp chính là cú hích mạnh cho bất động sản ven đô phát triển.
Nguồn: CafeF
3. BẮC GIANG CÓ THÊM KHU CÔNG NGHIỆP GẦN 400 HA
UBND tỉnh Bắc Giang vừa phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 khu công nghiệp Yên Lư, huyện Yên Dũng với tổng diện tích khoảng 377ha.
Khu vực nghiên cứu thuộc địa giới hành chính của xã Yên Lư, huyện Yên Dũng. Ranh giới được giới hạn phía Bắc giáp kênh nông nghiệp và dân cư các thôn An Thái, Yên Tập và Yên Hồng; phía Nam giáp đất nông nghiệp và dân cư các thôn Thạch Xá, Long Xá, Thịnh Long, Yên Tập Cao và Yên Tập Bắc; phía Đông giáp Cụm công nghiệp Nham Sơn - Yên Lư; phía Tây giáp đất nông nghiệp.
KCN Yên Lư được tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan theo hướng giao thông chính tiếp cận với KCN từ tuyến QL17 ở phía Đông khu vực lập quy hoạch, là tuyến đường đối ngoại chính kết nối KCN với vùng lân cận. KCN Yên Lư có tính chất là KCN tổng hợp đa ngành, chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ kỹ thuật cao, thân thiện với môi trường.
Hệ thống giao thông chính trong KCN được bố trí theo hướng Đông Tây kết nối với QL17. Trong KCN có hệ thống đường điện cao thế 500KV chạy dọc KCN, do đó hệ thống giao thông chính được bố trí chạy song song với đường điện cao thế; xung quanh KCN có hệ thống giao thông chạy xung quanh kết hợp hành lang cây xanh.
Khu trung tâm điều hành, dịch vụ công cộng quy hoạch phía Tây KCN, trong tương lai hướng tiếp cận từ phía Cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn. Diện tích lô đất công nghiệp được bố trí cơ động phù hợp với quy mô sử dụng của các nhà máy khác nhau từ 5 - 30 ha; tất cả các nhà máy đều có mặt công trình tiếp xúc với tuyến đường trong KCN.
Khu cây xanh lớn ngăn cách giữa KCN và đô thị thương mại dịch vụ tạo điểm nhấn cảnh quan, cải tạo vi khí hậu toàn khu vực, hệ thống cây xanh cách ly phân bố chủ yếu xung quanh KCN trên kết hợp hệ thống mương thoát nước, tạo khoảng cách ly xanh với khu dân cư xung quanh. Ngoài ra còn các khu cây xanh dọc các trục giao thông chính, hệ thống kênh thoát nước chính.
4. THANH HOÁ DUYỆT NHIỆM VỤ QUY HOẠCH 2 KHU ĐÔ THỊ RỘNG HƠN 1.000HA
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 đối với 2 khu đô thị thuộc khu kinh tế Nghi Sơn.
Thứ nhất là Khu đô thị số 4, Khu kinh tế Nghi Sơn với diện tích lập quy hoạch khoảng 437,5ha, trong đó 422ha thuộc xã Hải Nhân; 15,5ha thuộc phường Nguyên Bình.
Khu vực quy hoạch có phía Bắc giáp dân cư hiện trạng chân núi Trạn; phía Nam giáp phường Nguyên Bình (phân khu CN 17); phía Đông giáp đường sắt Bắc – Nam (phân khu DT-05); phía Tây giáp đường Nghi Sơn - Sao Vàng.
Thứ hai là Khu đô thị số 6, Khu kinh tế Nghi Sơn với quy mô diện tích lập quy hoạch khoảng 576,3ha, bao gồm xã Hải Nhân 331,5ha; xã Ninh Hải 91,7ha; phường Hải Hoà 153,1ha.
Khu vực quy hoạch có phía Bắc giáp núi Am; phía Nam giáp phân khu đô thị DT-05; phía Đông giáp kênh Than (phân khu sinh thái ST-08 theo quy hoạch); phía Tây giáp đường sắt Bắc - Nam và núi Am.
Nguồn: CafeF
5. TỪ 1/9 CHỦ CHUNG CƯ CŨ CÓ THỂ ĐƯỢC BỒI THƯỜNG CĂN HỘ MỚI RỘNG GẤP ĐÔI
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 69/2021/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư,… Theo đó, UBND cấp tỉnh quyết định hệ số k bồi thường từ 1 đến 2 lần diện tích sử dụng căn hộ cũ ghi trong giấy chứng nhận được cấp qua các thời kỳ hoặc diện tích đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận, làm cơ sở để chủ đầu tư lập phương án bồi thường.
Trường hợp có diện tích ngoài diện tích được công nhận trong giấy chứng nhận hoặc ngoài diện tích đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận thì thực hiện giải quyết theo quy định của pháp luật đất đai. Diện tích căn hộ tái định cư sau khi tính theo hệ số k được quy đổi thành tiền và được nêu rõ trong phương án bồi thường, làm cơ sở để xác định giá trị hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở tái định cư và nghĩa vụ thanh toán tiền chênh lệch của các bên (nếu có).
Đối với các chủ sở hữu tầng 1 mà có dành diện tích nhà để kinh doanh trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành và dự án có bố trí một phần diện tích để kinh doanh dịch vụ, thương mại theo quy hoạch được phê duyệt thì ngoài việc được bồi thường theo quy định tại điểm này, nếu các chủ sở hữu có nhu cầu còn được mua hoặc thuê một phần diện tích sàn kinh doanh thương mại, dịch vụ để kinh doanh.
Về giá trị căn hộ tái định cư lớn hơn giá trị căn hộ cũ sau khi quy đổi theo hệ số k quy định tại điểm a khoản này, thì các bên ký hợp đồng mua bán, hoặc thuê mua nhà ở tái định cư và phải nộp thêm phần giá trị chênh lệch này, nếu chủ sở hữu không mua, thuê mua thì không được bố trí tái định cư và được thanh toán bằng tiền đối với toàn bộ giá trị được bồi thường theo quy định. Trường hợp giá trị căn hộ tái định cư nhỏ hơn giá trị căn hộ cũ sau khi quy đổi theo hệ số k quy định tại điểm a khoản này, thì chủ đầu tư phải thanh toán cho chủ sở hữu phần giá trị chênh lệch này.
Còn chủ sở hữu căn hộ chung cư không có nhu cầu tái định cư tại chỗ mà chủ đầu tư có diện tích nhà, đất tại địa điểm khác để bố trí tái định cư và chủ sở hữu có nhu cầu thì được bố trí tái định cư theo cơ chế quy định.
Nguồn: Báo Xây dựng
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian sớm nhất !
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian sớm nhất !