Bản tin thị trường sáng ngày 5/7/2021

05-07-2021 10:31

Giá thuê đất công nghiệp lập đỉnh mới, bất động sản nửa cuối năm: đâu là tọa độ hấp dẫn nhà đầu tư phía Bắc là những tin chính có trong bản tin sáng nay.

BẤT ĐỘNG SẢN NỬA CUỐI NĂM: ĐÂU LÀ TỌA ĐỘ HẤP DẪN NHÀ ĐẦU TƯ PHÍA BẮC?

Theo Batdongsan.com.vn, mức quan tâm của nhà đầu tư liên tục giảm mạnh ở miền Bắc suốt 2 tháng qua. Riêng tháng 5 năm nay, mức quan tâm giảm sâu ở Bắc Giang (49%), Bắc Ninh (46%), Hà Nam (46%), Vĩnh Phúc (38%), Quảng Ninh (24%)… Sau nhiều năm sốt đất, nhà đầu tư phía Bắc đang có xu hướng "chốt lời, thoát hàng" khỏi thị trường quen thuộc để săn tìm tọa độ mới.

Thị trường phía Bắc liên tục sốt đất lập đỉnh 2 năm qua, có lực đỡ lớn đến từ bất động sản công nghiệp. Dịch bùng phát, phân khúc này không chỉ "miễn nhiễm" với Covid-19, mà còn tăng trưởng liên tục trước làn sóng doanh nghiệp nước ngoài đổ sang Việt Nam. Để mời gọi vốn FDI, các địa phương đã kích hoạt đầu tư vào hạ tầng giao thông, kéo bất động sản vệ tinh (đất nền, nhà phố, căn hộ…) tăng giá theo.

Phân khúc BĐS công nghiệp dẫn dắt thị trường, song theo JLL và Savills, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp miền Bắc hiện đã đạt mức cao. Cụ thể, Hà Nội lấp đầy đến 90 %, Bắc Ninh 95 %, Hưng Yên 89 %, Hải Phòng 73 %... Quý I năm nay, phía Bắc không có nguồn cung mới và giá thuê bình quân đạt kỷ lục 107 USD/m2.

Sau BĐS công nghiệp, BĐS nghỉ dưỡng cũng đang được bỏ vào giỏ hàng của nhà đầu tư, theo Savills. Điều này cũng phản ánh niềm tin của nhà đầu tư, rằng phân khúc này không chỉ phục hồi đầu tiên sau đại dịch, mà còn cho tỷ suất sinh lời cao đột biến hơn loại hình khác.

Do khan hiếm vùng biển "cát trắng, nước xanh", nên ngoài Quảng Ninh, nhà đầu tư miền Bắc thường giăng lưới xa bờ tới Trung bộ. Quy Nhơn, Tuy Hòa, Phan Thiết… là những điểm "hạ cánh" mới có tiềm năng phát triển vượt trội về du lịch, nhưng thiếu hụt căn hộ biển và khách sạn cao cấp. Nổi bật là Quy Nhơn, năm 2019 đón 4,8 triệu khách, thời gian lưu trú bình quân tới 2,7 ngày; song cả tỉnh chỉ có 323 cơ sở lưu trú với 7.940 phòng.

THẾ HỆ TRẺ NGÀY CÀNG TẬP TRUNG VÀO KHÔNG GIAN THOÁNG ĐÃNG, NHIỀU TIỆN ÍCH

Việc thế hệ millennials (những người sinh năm 1981-2000) trở thành nguồn cung nhân lực chính của thế giới và bắt đầu lập thân, lập nghiệp, chuyển tới sinh sống tại các đô thị đang góp phần vào sự thay đổi của thị trường bất động sản. Được trang bị đầy đủ kiến thức, tự chủ trong tư duy, nhóm đối tượng này hiểu rõ nhu cầu của mình về một ngôi nhà và môi trường sống lý tưởng. Đề cao sự trải nghiệm, tiện ích và không gian sống, những gia đình trẻ ngày nay định hình nên một xu hướng lựa chọn nhà ở mới.

Thay vì chọn trung tâm thành phố bận rộn, họ ưu tiên các khu đô thị có không gian thoáng đãng, nhiều tiện ích nội khu, gần trường học, các khu vui chơi giải trí, mang đến những trải nghiệm đắt giá trong cuộc sống đô thị xô bồ, tấp nập. Người trẻ cũng mong muốn được xây dựng tổ ấm ở một không gian sống đảm bảo về sức khỏe, môi trường sinh hoạt không chỉ cho người lớn mà còn cho cả con cái của họ.

Bên cạnh đó, với tình trạng giá nhà đất ngày càng leo thang, thế hệ trẻ ngày nay không tìm kiếm những căn hộ có diện tích quá lớn. Họ thường tìm kiếm các căn vừa phải, với giá hợp lý nhưng cần được thiết kế thông minh, đủ công năng hiện đại với 2 phòng ngủ, một phòng khách, không gian bếp riêng biệt...

SAVILLS: NGUỒN CUNG CHUNG CƯ, BIỆT THỰ CHỦ YẾU ĐẾN TỪ CÁC HUYỆN NGOẠI THÀNH

Quý II, nguồn cung căn hộ tại Hà Nội đạt khoảng 1.600 căn, mức thấp nhất trong vòng 5 năm. Giá chung cư tăng cao cùng cơ sở hạ tầng phát triển khiến các chủ đầu tư tìm kiếm cơ hội mới ở các huyện ngoại thành và các tỉnh lân cận. Nguồn cung mới biệt thự và nhà liền kề tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, phân bố tại các quận ngoại thành.

Xét chung toàn thị trường Hà Nội, nguồn cung sơ cấp hạn chế được cho là lý do chính đẩy giá căn hộ lên cao. Cụ thể, giá chào bán sơ cấp trung bình là 1.625 USD/m2, tăng 7% theo quý và 11% theo năm, các dự án hạng B tăng mạnh nhất, đạt mức tăng 13% theo năm. Ngoài nguyên nhân liên quan đến nguồn cung, việc cơ sở hạ tầng được cải thiện và giá thép tăng cũng góp phần làm tăng giá căn hộ trên thị trường sơ cấp. 

Cùng với sự mở rộng đô thị của Hà Nội, nguồn cung đã dịch chuyển từ các khu vực thành thị đến các huyện ngoại thành. Nếu như năm 2017, các huyện Hoài Đức và Thanh Trì chỉ cung cấp 6% nguồn cung thì đến 6 tháng đầu năm nay, 4 huyện Hoài Đức, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh đã chiếm 32% thị phần, Dự báo từ năm 2021 trở đi, các huyện ngoại thành sẽ đóng góp 27% nguồn cung. Ngoài ra, nguồn cung mới hạn chế và hàng tồn kho giá cao ở Hà Nội khiến các chủ đầu tư chuyển hướng sang các tỉnh lân cận. Cơ sở hạ tầng được cải thiện đã thúc đẩy nhu cầu nhà ở tại các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh.

TP. HCM KIẾN NGHỊ BỔ SUNG KCN PHẠM VĂN HAI VÀO QUY HOẠCH

TP Hồ Chí Minh mới đây kiến nghị xoá quy hoạch 3 khu công nghiệp gồm: Khu công nghiệp Bàu Đưng và Phước Hiệp (huyện Củ Chi), khu công nghiệp Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn).

UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, 3 dự án khu công nghiệp trên đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch từ năm 2008. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 10 năm vẫn chưa có chủ đầu tư, chưa có chủ trương thu hồi đất, chưa triển khai các thủ tục về lập quy hoạch và dự án không còn tính khả thi.

Do đó, các dự án đã làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân tại khu vực dự án khi hạ tầng bị xuống cấp không được đầu tư, việc xây dựng, sửa chữa nhà cửa hoặc việc cho tặng, sang nhượng đất không thể thực hiện. Ngoài ra, còn hàng loạt bất cập khác về an ninh trật tự, an toàn vệ sinh đối với người dân sống trong các dự án treo này.

GIÁ THUÊ ĐẤT CÔNG NGHIỆP LẬP ĐỈNH MỚI

Báo cáo thị trường bất động sản công nghiệp các tỉnh phía Nam của JLL cho biết, trong quý II, bất chấp đợt dịch Covid-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp, giá thuê đất công nghiệp tại 4 tỉnh thuộc vùng TP HCM (gồm Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu) tiếp tục leo thang. Khảo sát giá thuê này được tính bình quân tại 4 tỉnh trên cùng TP HCM.

Suốt 3 tháng qua, các chủ đầu tư khu công nghiệp tại phía Nam thiết lập vùng đỉnh mới với giá thuê đất công nghiệp trung bình vọt lên 113 USD (khoảng 2,6 triệu đồng) một m2 cho chu kỳ thuê, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong khi giá thuê nhà xưởng xây sẵn đạt trung bình ở mức 4,5 USD (105.000 đồng) mỗi m2 một tháng cho toàn khu vực, chỉ tăng nhẹ 0,5% so với cùng kỳ. Giữa đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, thị trường nhà xưởng xây sẵn chưa ghi nhận nguồn cung mới tham gia vào thị trường, nguồn cung hiện hữu đạt 3,2 triệu m2 sàn.

Trong quý II, bất chấp đại dịch bùng phát và diễn biến khó lường, nhiều giao dịch bất động sản công nghiệp được hoàn tất tại Bà Rịa Vũng Tàu. Các thỏa thuận thuê đất chủ yếu đến từ các nhà sản xuất công nghiệp nặng yêu cầu quỹ đất rộng lớn. Tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp và nhà xưởng xây sẵn đạt lần lượt 85% và 86%.

Hiện các tỉnh phía Nam liên tục cải thiện và xây dựng mới hệ thống cơ sở hạ tầng, điển hình các dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Bến Lức - Long Thành, tất cả đều nằm ở các thị trường công nghiệp chủ lực xung quanh TP HCM. Diễn biến này tạo động lực thúc đẩy bất động sản công nghiệp, logistics, hậu cần phát triển thuận lợi hơn.

JLL dự báo, giá thuê đất công nghiệp tại khu vực miền Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Đối với nhà xưởng xây sẵn, khoảng 940.000 m2 mới sẽ được tung ra thị trường vào cuối năm 2021 nếu tình hình dịch bênh được kiểm soát.

 

Tổng hợp từ nguồn: Dân Trí, VnExpress, CafeF

GỌI ĐIỆN
GỌI ĐIỆN

GỬI THÔNG TIN THÀNH CÔNG


Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian sớm nhất !

-->

GỬI THÔNG TIN THÀNH CÔNG


Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian sớm nhất !